Báo động tình trạng HLV rởm tràn lan sân pickleball

Ngọc Thanh Ngọc Thanh
Thứ hai, 28/07/2025 16:55 PM (GMT+7)
A A+

Sự phát triển nhanh của pickleball tại Việt Nam kéo theo hệ lụy: nhiều người thiếu chuyên môn vẫn tự xưng huấn luyện viên, lợi dụng lỗ hổng chứng chỉ để trục lợi từ học viên.

Mạng xã hội thời gian qua xôn xao trước chia sẻ: “Ngày càng có nhiều huấn luyện viên pickleball không có trình độ nhưng vẫn dám nhận dạy với học phí cao”. Dòng trạng thái tưởng như bâng quơ lại chạm đúng tâm lý bất an của không ít người đang theo học bộ môn thể thao mới nổi này.

Anh Phạm Hữu Thành - người đã có hơn hai năm làm huấn luyện viên pickleball tại trường Đại học Hoa Sen thừa nhận thực trạng này là có thật. Trước khi giảng dạy pickleball, anh từng huấn luyện cầu lông, võ thuật và các môn thể thao khác. Dù có kinh nghiệm, anh vẫn không bỏ qua khâu đào tạo bài bản để được cấp chứng chỉ hợp lệ.

“Để trở thành huấn luyện viên chuyên nghiệp, bắt buộc phải có chứng chỉ rõ ràng do cơ quan chức năng cấp. Chứng chỉ này không chỉ là minh chứng cho kỹ năng chơi chuyên nghiệp mà còn là kỹ năng tổ chức giảng dạy”, anh Thành chia sẻ. Theo anh, mỗi chứng chỉ thường có mức phí khoảng 2 triệu đồng và quá trình học bao gồm cả lý thuyết lẫn thực hành.

6
Nở rộ tình trạng huấn luyện viên “tự phong” trên sân pickleball (Ảnh minh họa)

Anh Thành từng nhờ một huấn luyện viên uy tín hướng dẫn chuyển đổi từ cầu lông sang pickleball, sau đó theo học các khóa chứng chỉ cơ bản về luật, kỹ thuật do Sở Văn hóa và Thể thao cấp phối hợp cùng Liên đoàn quần vợt, pickleball tổ chức. Ngoài ra, những chứng chỉ quốc tế mà anh sở hữu đều phải được Cục Thể dục Thể thao phê duyệt thì mới được công nhận trong nước.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kiều Mỹ - Tổng thư ký Liên đoàn quần vợt, pickleball TPHCM, thị trường đang tồn tại nhiều lớp học ngắn hạn, thậm chí chỉ vài buổi đã cấp chứng chỉ giảng dạy. “Điều này tạo sơ hở cho người tay ngang không đủ năng lực chuyên môn nhảy vào dạy học, lấy học phí cao mà không đảm bảo chất lượng”, bà Mỹ cảnh báo.

Hiện nay, Liên đoàn quần vợt, pickleball TPHCM đã tổ chức 5 lớp đào tạo huấn luyện viên và trọng tài. Tuy nhiên, các chứng chỉ hiện mới ở cấp độ thành phố. Theo bà Kiều Mỹ, để chuẩn hóa đội ngũ giảng dạy pickleball, cần thành lập liên đoàn cấp quốc gia do Cục Thể dục Thể thao quản lý. Từ đó, môn thể thao này mới có thể được đưa vào hệ thống nghị định, thông tư như các môn chính thống khác.

5
Anh Phạm Hữu Thành, huấn luyện viên pickleball tại Đại học Hoa Sen

“Để chuẩn hóa tiêu chuẩn của huấn luyện viên pickleball, chúng tôi vẫn đang phối hợp với các bên liên quan để tìm giải pháp. Trước mắt, chờ thành lập liên đoàn quốc gia là điều kiện tiên quyết”, bà nói.

Với anh Phạm Hữu Thành, pickleball là công việc nghiêm túc chứ không phải nghề tay trái. “Ngoài giảng dạy ở trường, tôi còn mở lớp bên ngoài. Với bằng cấp đầy đủ và kinh nghiệm, mức thu nhập mỗi giờ của tôi là 300.000 đồng. Đây là con số trung bình trên thị trường hiện nay”, anh chia sẻ.

Anh Thành cũng mong rằng trong tương lai gần, các huấn luyện viên pickleball sẽ được đào tạo bài bản hơn về cơ thể học, sinh lý học và kỹ năng thể chất, nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy không chỉ ở trình độ chuyên môn mà còn về khả năng hiểu và phát triển con người. “Nếu một vận động viên cần luyện tập thì huấn luyện viên càng cần học nhiều hơn nữa”, anh khẳng định.

Góp ý / Báo lỗi
Xem thêm