Trước nguy cơ ngập úng do ảnh hưởng của bão số 3 (Wipha), nhiều người dân miền Bắc đã gấp rút triển khai hàng loạt biện pháp bảo vệ ô tô, từ kê cao xe đến bọc kín toàn thân bằng bạt chống nước.
Nội dung chính
Cuống cuồng tìm cách "giữ xe an toàn" trước mưa lũ
Cơn bão số 3 (Wipha) dự kiến đổ bộ vào khu vực Bắc Bộ trong chiều 21/7 với lượng mưa lớn, gây nguy cơ ngập sâu ở nhiều đô thị. Trước tình hình đó, người dân đã bắt đầu "chạy đua" với thời gian để tìm phương án bảo vệ tài sản, đặc biệt là ô tô cá nhân.
Phổ biến nhất hiện nay là việc kê xe lên cao, dùng xốp hoặc mút đệm gia cố kính xe để chống va đập, hoặc sáng tạo hơn là buộc xe vào các loại phao nổi tự chế.
Một số chủ xe còn chia sẻ kinh nghiệm dùng túi bạt chống nước, bọc kín toàn bộ xe (từ gầm lên nóc) nhằm ngăn nước xâm nhập và tạo hiệu ứng nổi khi nước dâng.

Từ kinh nghiệm trận bão Yagi năm ngoái
Các biện pháp "tự cứu" này thực chất không mới. Hồi tháng 9/2024, khi cơn bão lịch sử Yagi - một trong những cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ miền Bắc - gây ra ngập lụt nghiêm trọng, không ít chủ xe đã tìm cách tự cứu tài sản của mình.
Chị Lan Anh (phường Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên cũ) là một trong số đó. Chị kể, đêm 8/9/2024, khu vực nơi chị sinh sống chìm trong biển nước do ảnh hưởng của bão.
Gia đình bị thiệt hại nặng về tài sản, nhưng may mắn là chiếc Kia Rio - phương tiện mưu sinh hàng ngày - vẫn được bảo toàn nhờ bọc xe bằng một tấm bạt lớn dài 10 mét và buộc chặt lại để nước không tràn vào.

Khi nước rút, nhiều chiếc xe trong khu phố đã bị hư hỏng do ngâm nước, riêng xe của chị vẫn an toàn. Cách làm đơn giản này đã giúp chị tránh được tổn thất nặng nề trong hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt.
Chuyên gia cảnh báo về thiệt hại và khuyến nghị
Theo kỹ sư ô tô Dương Trung Kiên, một chiếc xe bị ngập nước không chỉ hư hỏng ngay tại thời điểm xảy ra ngập mà còn mang theo hậu quả lâu dài, với chi phí sửa chữa có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.
Theo anh Kiên, nước tràn vào động cơ có thể gây thủy kích, làm hỏng hệ thống điện, ECU, hộp số. Các chi tiết nội thất bị ẩm mốc, kim loại thì gỉ sét nhanh chóng. Quan trọng hơn, xe từng ngập nước sẽ rất khó bán lại, hoặc bị mất giá nghiêm trọng.
Bởi vậy, di chuyển xe đến vị trí cao ráo hoặc sử dụng các biện pháp như bọc kín bằng túi chuyên dụng được đánh giá là hữu ích. Nếu thực hiện đúng, nước ngập chỉ 30-40cm là chiếc xe đã có thể nổi lên nhờ lực đẩy Archimedes.
"Nếu xe được bọc kín và chắc chắn, không để nước lọt vào trong, toàn bộ không khí bên trong sẽ giúp xe nổi như một 'chiếc thuyền' vậy", anh Kiên giải thích thêm.

Dù vậy, vị chuyên gia này cũng cảnh báo, việc bọc xe bằng túi hoặc bạt chống nước nếu không đảm bảo kỹ thuật có thể dẫn tới hậu quả ngược.
<*!>Nếu bạt bị thủng, nước tràn vào từ đáy hoặc khe hở nhỏ thì hiệu quả sẽ mất đi.Nghiêm trọng hơn, khi ô tô bọc kín nổi lên giữa dòng nước lũ, nhưng không được cố định chắc chắn, xe có thể bị trôi, lật hoặc va đập mạnh vào tường, cây cối, gây thiệt hại không nhỏ.
Vì thế, người dân cần ưu tiên sử dụng loại túi, bạt chuyên dụng được thiết kế đặc biệt cho xe hơi, có khả năng chịu nước cao và khóa chặt các mép. Đồng thời, nên chèn bánh xe, dùng dây buộc xe vào các điểm cố định như cột bê tông, lan can để xe không bị xô lệch khi nước dâng.