Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều quán ăn, quán cà phê trở thành điểm sạc xe máy điện

Trang Trang
Thứ năm, 22/05/2025 16:00 PM (GMT+7)
A A+

Nhiều quán cà phê và quán ăn tại TP HCM nay trở thành điểm sạc xe máy điện tiện lợi, góp phần đáp ứng nhu cầu di chuyển xanh và mở ra hướng kinh doanh mới cho tiểu thương.

Trong bối cảnh xu hướng chuyển đổi phương tiện giao thông từ xăng sang điện ngày càng rõ nét, TP HCM đang xuất hiện một hình thức dịch vụ mới: các quán cà phê, quán ăn trở thành điểm sạc tiện lợi cho xe máy điện.

Tại một quán cà phê nhỏ trên đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), chủ quán đã nhanh chóng nắm bắt nhu cầu và đưa ra mức thu khá đặc biệt. Khi được hỏi giá sạc, thay vì trả lời trực tiếp, chủ quán lại hỏi lại "dưới 50 hay trên 50?", khiến nhiều khách bối rối tưởng đang đề cập đến vận tốc xe. 

Tuy nhiên, đây thực chất là cách tính phí dựa trên mức phần trăm pin còn lại của xe. Nếu xe còn dưới 50% pin, mức thu là 15.000 đồng; còn nếu pin còn nhiều hơn, giá sạc giảm xuống còn 10.000 đồng.

1-17477941429411989438860-174789

Trong khi đó, một số địa điểm khác lại có cách tính riêng. Quán cà phê trên đường Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh) áp dụng mức giá cố định 20.000 đồng mỗi lần sạc, bất kể dung lượng pin còn lại. 

Một quán khác ở đường 13 (TP Thủ Đức) chọn cách tính theo giờ, với mức giá 5.000 đồng/giờ. Ngược lại, cũng có không ít quán lựa chọn miễn phí hoàn toàn dịch vụ sạc cho khách, nhằm thu hút người dùng ghé quán, sử dụng thêm các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi.

Vì thời gian sạc thường kéo dài từ một đến vài giờ, các quán sạc thường kết hợp bán thêm đồ ăn nhẹ như mì gói, bánh mì ốp la, cơm trưa. Một số quán cà phê võng thậm chí đưa ra các gói dịch vụ trọn gói, thu 20.000 đồng cho nước uống kèm võng nghỉ ban ngày, tăng lên 50.000 đồng vào ban đêm. 

Giá sạc xe vẫn được tính riêng, khoảng 10.000 đồng/lượt. Để phục vụ thêm cho nhóm khách ở lại lâu, một số nơi còn triển khai thêm dịch vụ cho thuê mền, giặt đồ, tắm rửa.

2-17477951244851001251917-0-0-80

Chị Ngô Tiêu Thúy, chủ một quán cà phê tại quận 6, cho biết mô hình này ban đầu chỉ có vài xe mỗi ngày, nhưng hiện tại đã tăng lên vài chục lượt xe, đặc biệt vào buổi trưa và chiều tối. "Khách thường chỉ sạc khoảng một tiếng rồi đi ngay, chi phí điện chưa đến 4.000 đồng nhưng lợi nhuận từ lượng khách ngày càng tăng", chị Thúy chia sẻ.

Ghi nhận thực tế cho thấy đối tượng sử dụng dịch vụ sạc tại quán rất đa dạng: từ sinh viên, người đi làm, cư dân các khu chung cư gần đó, cho đến các tài xế công nghệ. 

Xu hướng này cũng cho thấy sự cộng hưởng tích cực từ chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh của thành phố. TP HCM hiện đang triển khai đề án "Chuyển đổi xanh - TP HCM mở rộng", trong đó có kế hoạch chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe máy điện, ưu tiên lực lượng giao hàng và tài xế công nghệ.

Góp ý / Báo lỗi
Xem thêm